- TRANG CHỦ
- /
- TIN TỨC SỰ KIỆN
- /
- Lo lắng về phóng...
Lo lắng về phóng xạ | Lại thêm một vấn đề giữa Hàn Quốc – Nhật Bản
Mặc dù thảm họa động đất – sóng thần Nhật Bản đã xảy ra từ năm 2011 nhưng Hàn Quốc chưa bao giờ hết lo lắng về phóng xạ và nguy cơ ô nhiễm đến từ những chất thải tồn lưu sau xử lý này…
1. Hàn Quốc lo lắng về phóng xạ tại Olympic 2020
Hàn Quốc lên tiếng về những lo lắng về phóng xạ trong Olympic 2020 sắp tới
Ủy ban Olympic Hàn Quốc dự định đặt mua các máy dò phóng xạ chuyên nghiệp để đảm bảo an toàn thực phẩm cho đội vận động viên của nước này trong khoảng thời gian sang Nhật Bản thi đấu trong năm 2020.
Phía Hàn Quốc hành động như vậy do lo ngại từ thảm họa hạt nhân Fukushima diễn ra trong năm 2011.
Ủy ban Thể thao & Olympic Hàn Quốc (KSOC) dự kiến vận chuyển bột ớt đỏ, cùng các thực phẩm thiết yếu khác từ quốc gia này qua Nhật Bản, đặc biệt là các nguyên liệu chuyên được sử dụng trong các món ăn Hàn Quốc.
Họ sẽ sử dụng máy để kiếm tra phóng xạ trong thịt và rau quả được cung cấp trong khu vực địa phương – những thực phẩm được cho là an toàn theo quy định kiểm dịch nghiêm ngặt của Nhật Bản.
Ủy ban này dự định sẽ mua thiết bị trước thời điểm tháng 02/2020, theo đúng kế hoạch đã đề ra về bữa ăn cho vận động viên của KSOC.
“Nguyên liệu và thực phẩm sẽ được vận chuyển từ Hàn Quốc nhiều nhất có thể, bao gồm cả thực phẩm đóng hộp” – nghị sĩ Hàn kiêm thành viên ủy ban thể thao quốc hội, Shin Dong-keun cho biết – “Tại Olympic lần này, chúng tôi rất chú trọng đến vấn đề thực phẩm, nhằm cung cấp những bữa ăn đảm bảo cho các vận động viên, đối phó với nỗi lo lắng về phóng xạ”.
KSOC chịu trách nhiệm sắp xếp các nhà hàng Hàn Quốc nằm trong khu vực chuẩn bị bữa ăn cho các cầu thủ sẽ thi đấu bóng chày và bóng mềm ở Fukushima, vì việc vận chuyển những bữa ăn đóng hộp được chế biến từ Tokyo đến đây là điều không thể.
Các nhà hàng Hàn Quốc được chọn lựa chỉ chế biến những thực phẩm được xác nhận là không nhiễm phóng xạ.
2. Xả thải nước sau xử lý phóng xạ ra biển Thái Bình Dương??
Nhật Bản khiến cho cộng đồng quốc tế lo lắng về phóng xạ với ý định xả nước nhiễm xạ vào biển Thái Bình Dương
Trận động đất mạnh 9 độ richter gây ra thảm họa sóng thần vào hồi tháng 03/2011 đã khiến ba lò phản ứng hạt nhân thuộc Nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị nóng chảy. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chỉ cách Tokyo khoảng 220 km về phía đông bắc.
Hơn 160,000 cư dân đã phải di rời khẩn cấp ra khỏi khu vực sau khi phóng xạ từ các lò phản ứng ảnh hưởng đến nguồn nước, thực phẩm và không khí trong vùng.
Hàn Quốc cấm nhập khẩu hải sản từ Fukushima kể từ sau thảm họa kép này, khiến Tokyo từng đâm đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhật Bản cho biết vấn đề ô nhiễm đã được nước này xử lý và các quốc gia như Mỹ hay Australia đã dỡ bỏ hay nới lỏng các hạn chế liên quan đến khu vực tỉnh bị ảnh hưởng này.
Giới chức Nhật Bản cũng đã và đang nỗ lực sử dụng các sự kiện quốc tế để chứng minh rằng sản phẩm từ Fukushima đã trở lại mức an toàn. Nước khoáng từ Fukushima đã được sử dụng để phục vụ tại cuộc họp của các ngoại trưởng G20 được tổ chức tại Nagoya, Nhật Bản trong tháng 11.
Tuy nhiên gần đây, Nhật Bản lại đưa ra một tuyên bố khác khiến nhiều nước trên thế giới nói chung và các quốc gia láng giềng của Nhật nói riêng phải lo lắng, đó chính là việc nước này tuyên bố sẽ thải nước nhiễm xạ ra khu vực biển.
Cụ thể, trong tháng 09/2019, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Yoshida Harada tuyên bố, nước nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima có thể phải đổ trực tiếp ra biển do đã hết chỗ chứa. “Lựa chọn duy nhất là trút nước nhiễm phóng xạ ra đại dương để nước biển pha loãng”.
Ý kiến được Hadara nêu ra sau khi Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) chủ quản nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, cho biết sẽ hết chỗ chứa nước nhiễm xạ vào năm 2022, dù công ty sắp xây số bể mới đủ chứa thêm 1,37 triệu tấn nước.
Tuy nhiên phương án xả thải ra biển Thái Bình Dương có thể sẽ vấp phải phản ứng dữ dội từ các nước láng giềng. Hàn Quốc trong tháng 8/2019 đã triệu tập đại sứ Nhật Bản nhằm làm rõ cách Tokyo ứng phó với vấn đề nước nhiễm xạ từ Fukushima.
Những nhóm hoạt động vì môi trường ở cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang phản đối biện pháp xử lý này, cho rằng hành động này không chỉ có ảnh hưởng nghiêm trọng lên đời sống thủy sinh ở khu vực xả thải mà còn gây hiệu ứng tiêu cực lên khu vực vành đai vùng biển Thái Bình Dương.
Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) nhấn mạnh rằng “không có một lí do nào có thể bao biện được cho hành động cố tình xả thải phóng xạ ra môi trường nước và không khí”.
“Đây không chỉ là vấn đề của một quốc gia mà Chính phủ Nhật Bản phải có trách nhiệm giải thích cho cộng đồng quốc tế lí do tại sao bản thân ủng hộ quyết định xả thải ra biển và để nước nhiễm xạ bay hơi vào trong không khí khi bản thân nước này đã thất bại trong việc nghĩ ra các giải pháp thay thế”.
Trong ấn bản phát hành bằng Tiếng Hàn của tờ The Economist, môi trường thủy sinh và hệ sinh thái của Hàn Quốc rồi dần dần là cả người dân nước này cũng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chất phóng xạ nếu Nhật Bản quyết định tiến hành phương pháp này.